GIỚI THIỆU
Triac là linh kiện bán dẫn có cấu tạo gồm năm lớp tiếp giáp P–N, về bản chất chúng ta có thể coi triac là hai thyristor đấu song song ngược chiều nên chúng có thể dẫn điện theo cả hai chiều. Triac có 3 điện cực là: cực A1, cực A2, cực điều khiển Gate (G).
Diac cũng có cấu tạo giống với triac nhưng không có cực điều khiển G. Cả triac và diac thường được dùng để điều khiển các thiết bị điện trong các mạch điện xoay chiều.
KÝ HIỆU
Trong mạch điện triac và diac có ký hiệu như hình 1.
Hình 1. Cấu tạo và ký hiệu của triac và diac
a) Ký hiệu triac; b) Ký hiệu diac
NGUYÊN LÝ LÀM VIỆC
Nguyên lý làm việc của triac:
- Khi cực G và A2 có điện thế âm so với A1 thì triac mở. Cực A1 đóng vai trò là Anot, còn cực A2 đóng vai trò là Katot. Dòng điện chạy từ A1 sang A2.
- Khi cực G và A2 có điện thế dương so với A1 thì triac mở, cực A2 đóng vai trò là Anot, còn cực A1 đóng vai trò là Katot. Dòng điện chạy từ A2 sang A1.
Từ đó thấy rằng, triac có khả năng dẫn điện theo cả hai chiều và đều được cực G điều khiển lúc mở.
Nguyên lý làm việc của diac: do không có cực điều khiển nên được kích mở bằng cách nâng cao điện áp đặt vào hai cực.
THÔNG SỐ
Triac và diac có các thông số giống với thyristor.